Dấu ấn 20 năm
Hai mươi năm tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2011) Lào Cai có những bước phát triển mang tính chất đột phá. Hòa chung với sức vươn lên của toàn tỉnh, văn hóa Lào Cai đã in đậm dấu ấn truyền thống vùng biên trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Dấu ấn văn hóa đã góp phần tạo nên bản lĩnh bản sắc văn hóa.

Hai mươi năm tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2011) Lào Cai có những bước phát triển mang tính chất đột phá. Hòa chung với sức vươn lên của toàn tỉnh, văn hóa Lào Cai đã in đậm dấu ấn truyền thống vùng biên trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Dấu ấn văn hóa đã góp phần tạo nên bản lĩnh bản sắc văn hóa.

Lào Cai có hơn 200 km đường biên giới với Trung Quốc, lại nằm ở vị trí đầu cầu, nối liền vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng Vân Nam rộng lớn của Trung Quốc. Nhờ vị trí đầu cầu, nên giao lưu văn hóa, kinh tế với Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Trong truyền thống, người dân Lào Cai đã tạo nên văn hóa ứng xử vừa linh hoạt mềm dẻo lại vừa giàu bản lĩnh tự hào bảo vệ chủ quyền và bản sắc văn hóa quốc gia. Ngay sát biên giới là những cột mốc văn hóa linh thiêng đã dựng lên. Đó là đền thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo - người anh hùng dân tộc và đền thờ Mẫu - một loại hình tôn giáo độc đáo của Việt Nam. Đó là rừng cây gạo - biểu tượng của văn hóa phương Nam đã trở thành địa danh "Cốc Lếu".

 

Lễ hội Đền Thượng. (Ảnh: Thu Phương)

Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, ngành văn hóa Lào Cai đã tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ di tích quốc gia, đồng thời tiến hành trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành nghiên cứu, cùng thành phố Lào Cai phục dựng mới lễ hội Đền Thượng. Lễ hội thực sự trở thành di sản văn hóa phi vật thể đề cao cộng đồng, đề cao ý thức quốc gia trên vùng biên giới. Và Lào Cai cũng là tỉnh duy nhất trong toàn quốc hơn 10 năm qua đã xây dựng phong tục đẹp đón xuân. Trước giờ giao thừa, hàng nghìn người dân tham gia dạ hội, lắng nghe đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chúc tết và nô nức lên dâng hương Đền Thượng, Đền Mẫu, ước mơ "quốc thái dân an", niềm vui đoàn kết cộng đồng bảo vệ chủ quyền quốc gia càng được in đậm trong bản Chúc thư Đền Thượng.

"25 dân tộc anh em đoàn kết, gìn giữ non sông bền vững ngàn đời

60 vạn nhân dân chung lòng xây dựng Lào Cai mạnh giàu muôn thủa".

Sự tôn vinh truyền thống yêu nước của ông cha càng tạo thành dấu ấn văn hóa qua sự kiện đặt tên đường phố. Tên đường phố thực sự là những tấm bia khắc ghi lịch sử, in đậm bản sắc của quê hương Lào Cai. Trước khi xây dựng ngân hàng dữ liệu địa danh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng với thành phố và các cơ quan xây dựng nguyên tắc đặt tên đường phố. Đó là giữ nguyên những địa danh cổ mang dấu ấn văn hóa Lào Cai "Cốc Lếu", Phố Mới, Nhạc Sơn... Đồng thời, bổ sung các địa danh cổ đã mất như: địa danh Thủy Vĩ (một châu huyện cũ bao trùm cả tỉnh Lào Cai được hình thành từ thế kỷ thứ X), địa danh châu Quy Hóa... Đặc biệt, những tên núi, tên sông, những bản mường cổ của các huyện cũng được đặt tên cho các phố như: Hoàng Liên, Hồng Hà, Nghĩa Đô, Trung Đô, Mường Than, Mường Bo... Bên cạnh tên các vị anh hùng dân tộc là tên các danh nhân, các cán bộ, anh hùng, liệt sĩ có công giải phóng và xây dựng Lào Cai. Đặc biệt, Lào Cai là địa bàn được nhiều văn nghệ sĩ lên lập nghiệp nên cũng được đặt tên cho đường phố Lào Cai, như nhà văn Nguyễn Công Hoan (dạy học, viết văn ở Lào Cai từ năm 1929 - 1931), nhạc sĩ Văn Cao (hoạt động tình báo ở Lào Cai năm 1946, 1947)...

Đặc điểm nổi bật của văn hóa Lào Cai là tính đa dạng. Lào Cai có 25 ngành, nhóm dân tộc khác nhau. Cảnh quan môi trường tự nhiên ở mỗi vùng, mỗi huyện cũng khác nhau. Sự khác nhau đó tạo nên tính đa dạng trong mái nhà chung - văn hóa Lào Cai. Tính đa dạng cũng tạo nên bản sắc Lào Cai, tạo ra sự phong phú, linh hoạt thích ứng với nhiều kiểu loại môi trường. Và đây chính là giá trị của tri thức dân gian, di sản các dân tộc. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng chương trình "Biến di sản thành tài sản" góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh tài nguyên du lịch về tự nhiên (khí hậu mát mẻ ở SaPa, Bắc Hà; cảnh đẹp hùng vĩ của dãy Hoàng Liên và các cao nguyên) là tính đa dạng văn hóa của các tộc người. Đề án "Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc" của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII đã góp phần nghiên cứu các di sản về kiến trúc nhà cửa, trang phục, nghề thủ công, lễ hội, đặc điểm của sinh hoạt văn hóa chợ để xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Điển hình là huyện SaPa đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng với các điểm du lịch văn hóa cộng đồng, như Bản Dền, Tả Van, Thanh Kim, Tả Phìn. Đồng thời, đã tạo ra sức hấp dẫn cho các tuyến du lịch từ huyện đến bản làng. Một số mô hình du lịch cộng đồng ởSaPa đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo với tốc độ nhanh nhất. Xã Bản Hồ năm 2007 đón 1,2 vạn du khách quốc tế. Xã Tả Phìn năm đông nhất (2008) cũng đón gần 1,5 vạn lượt du khách. Tỷ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2 - 3 lần so với các nơi khác. Thôn Cát Cát (xã San?Sả?Hồ) có 20% - 30% số người dân tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch (bán hàng, hướng dẫn khách, biểu diễn văn nghệ...), thu nhập bình quân từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/người/tháng. Huyện Bắc Hà bước đầu đã chú trọng xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch (xây dựng đội văn nghệ, khôi phục và trình diễn nghề thủ công gắn với các dịch vụ nghỉ, ẩm thực ở làng Trung Đô, Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố). Bước đầu một số làng văn hóa du lịch đã thu hút du khách tham quan, tạo nguồn thu như: Trung Đô, Tả Van Chư, Bản Phố. Huyện Mường Khương xây dựng khu du lịch Cao Sơn có lợi thế khí hậu trong lành, mát mẻ, hệ thống rừng già nguyên sinh, chợ văn hóa Cao Sơn, những nếp nhà tường trình của đồng bào Mông còn giữ nguyên bản sắc truyền thống... luôn hấp dẫn sự tìm hiểu, khám phá của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Như vậy, di sản văn hóa trước đây chỉ là mảng hồn của các dân tộc sống thường ngày với người dân ở cộng đồng, nhưng giờ đây di sản văn hóa đã được "đánh thức" trở thành tài sản du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

 

Vui hội xuân.

Ở Lào Cai có nhiều tiểu vùng cảnh quan môi trường khác nhau, cùng với sự đa dạng về văn hóa tộc người đã tạo thành các đặc sản. Các đặc sản này trước đây chỉ im lìm sống với cộng đồng, chưa được quảng bá, sản phẩm cũng hạn chế. Nhưng từ khi thực hiện Đề án của Đảng bộ tỉnh, chính quyền các huyện và cơ sở đã quan tâm khảo sát và xây dựng thương hiệu. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành nông nghiệp, ngành công thương bước đầu đã tiến hành khảo sát và kiểm kê, xây dựng danh sách và bảng giá trị của một số đặc sản. Huyện Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa đã xây dựng thương hiệu cho các đặc sản nổi tiếng như: rượu Bắc Hà, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù Mường Khương, su su Sa Pa. Gạo Séng Cù trở thành đặc sản, xây dựng được thương hiệu giá thành nâng lên gấp 2 đến 3 lần. Nhiều đặc sản khác đã có tiếng vang và quảng bá qua hệ thống thông tin đại chúng và tuyên truyền dân gian. Điển hình như rượu San Lùng, thổ cẩm Tả Phìn, thổ cẩm Cát Cát, thổ cẩm của người Tày ở Khánh Yên - Văn Bàn, thuốc tắm Sa Pa. Món thắng cố trước kia chỉ xuất hiện ở các phiên chợ vùng cao Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, nhưng sau lễ hội Đền Thượng, sau Tuần Văn hóa du lịch Bắc Hà, thắng cố đã "lên ngôi" trở thành món ẩm thực không thể thiếu được đối với các đoàn khách du lịch lên thăm Lào Cai. Các cửa hàng thắng cố đã phát triển ở thành phố Lào Cai, tham gia các hội chợ ở Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Thủ đô Hà Nội. Đường đi của thắng cố Lào Cai cũng là con đường quảng bá cho nhiều loại đặc sản khác đã được “đánh thức”. Thực hiện chương trình "mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản trở thành hàng hóa", hiện nay các đặc sản mang bản sắc của văn hóa các dân tộc  đã phát triển với nhiều loại hình khác nhau, như hệ thống các ngành nghề thủ công (sản phẩm rèn đúc, thổ cẩm, sản phẩm thêu, chạm khắc bạc, ẩm thực...). Chương trình bảo tồn và phát huy các sản phẩm đặc sản đã có sức mạnh mới nhờ những hình thức quảng bá và đăng ký thương hiệu. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ bán ở chợ quê hoặc trong làng thì nay đã trở thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thậm chí xuất khẩu (như thổ cẩm của người Mông, sản phẩm bạc chạm khắc của người Dao đỏ ở Nậm Cang với họa tiết hoa văn độc đáo...).

Như vậy, sau 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, văn hóa Lào Cai cũng đã ghi những dấu ấn quan trọng. Dấu ấn góp phần tạo nên bản lĩnh bản sắc văn hóa Lào Cai.

Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo Báo điện tử Lào Cai


Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1