Cánh tay chủ lực của nền kinh tế Lào Cai
Có những doanh nhân lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, có những người tìm kiếm cơ hội như một sự rủi may và chính mảnh đất này đã tạo cơ hội cho họ phát triển, để đến hôm nay, doanh nghiệp trở thành cánh tay chủ lực của nền kinh tế Lào Cai.

Có những doanh nhân lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, có những người tìm kiếm cơ hội như một sự rủi may và chính mảnh đất này đã tạo cơ hội cho họ phát triển, để đến hôm nay, doanh nghiệp trở thành cánh tay chủ lực của nền kinh tế Lào Cai.

Lật giở lại những trang thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mới thấy những năm đầu tái lập tỉnh, số lượng doanh nghiệp chỉ bằng một cái lướt qua những đầu ngón tay, hầu hết trong số ấy là doanh nghiệp quốc doanh. Gần 10 năm sau ngày tái lập, số lượng doanh nghiệp cũng không đáng kể nếu so với mặt bằng chung cả nước, năm 2000, toàn tỉnh có 165 doanh nghiệp. Sự phát triển của các doanh nghiệp mang đến nguồn nội lực to lớn cho nền kinh tế, chưa cần quan tâm đến quy mô doanh nghiệp, nhưng với số lượng doanh nghiệp như vậy thì những người lạc quan nhất cũng không khỏi lo lắng cho chặng đường phát triển của tỉnh những năm tiếp theo. 

 

Tỉnh Lào Cai luôn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh.

Sau ngày tái lập tỉnh, mọi thứ còn ngổn ngang với hàng núi công việc phải bắt tay vào làm cùng một lúc thì các doanh nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong khôi phục và phát triển kinh tế. Những ngày khó khăn ấy, Công ty Apatít - đứa con của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế tỉnh vực dậy. Không chỉ là đơn vị kinh tế mạnh với mức đóng góp lớn và ổn định vào nguồn thu của tỉnh, Apatít còn trở thành điểm sáng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.

Trong công cuộc tái thiết cuối những năm 90 của thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, cả Lào Cai như một công trường lớn, những công trình đồ sộ hiện hình ở những nơi trước đây là rừng núi hoang vu hay bờ lau, bãi sậy. Sau ngày tái lập tỉnh, hình ảnh của những doanh nghiệp xây dựng đã ghi dấu trên nhiều công trình, tạo nên dáng vóc của Lào Cai hôm nay. Từ Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đến Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, hay những công trình hạ tầng nông thôn, tất cả đã làm nên diện mạo tươi mới cho mảnh đất biên cương Tổ quốc. Lào Cai đã nuôi dưỡng, tạo sức bật cho nhiều doanh nghiệp và chính họ đã đóng góp sức mình khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trên mảnh đất này. Trong lần làm việc với một doanh nghiệp có mặt tại Lào Cai từ đầu những năm 90, tôi đã khá ấn tượng về câu nói của một vị tổng giám đốc: Tôi không sinh ra trên mảnh đất Lào Cai, nhưng đã gắn bó với Lào Cai như quê hương thứ hai và sẽ góp hết sức mình tạo nên diện mạo mới cho vùng đất biên cương này.

Trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, cụm từ được nhiều lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhắc đến khi ấy là biến Lào Cai thành cầu nối giữa Đông Nam Á và vùng Tây Nam (Trung Quốc). Vị trí địa kinh tế đã tạo cho Lào Cai những thuận lợi không thể không tốt hơn để trở thành cầu nối. Nhưng nếu chỉ là một nhịp cầu trung chuyển đơn thuần thì có khác nào một "trạm barie" nhấc lên rồi hạ xuống, nếu vậy những tiềm năng, thế mạnh mà Lào Cai tự hào bấy lâu nay chẳng phải đã phí hoài?. Điều cốt lõi để trở thành một cầu nối trong hành lang kinh tế đầy tiềm năng ấy là Lào Cai phải có nội lực đủ mạnh để vận hành thành công nhịp cầu theo sự hội nhập và phát triển cùng với các đối tác lớn. Những chuyển động không ngừng của nền kinh tế, cùng sự sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ doanh nhân đã góp phần hình thành tại Lào Cai một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, đủ sức cạnh tranh trên thương trường khắc nghiệt.

20 năm sau ngày tái lập tỉnh, con số trên 1.800 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đã cho thấy bước phát triển nhảy vọt của nền kinh tế ở một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn như Lào Cai. Sau những bước chập chững của những năm đầu tái lập, các doanh nghiệp Lào Cai đã phát triển mạnh về số lượng, quy mô, chất lượng và hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút mạnh nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ việc xác định được vị trí là một tỉnh nghèo, lãnh đạo tỉnh Lào Cai luôn chỉ đạo cán bộ của mình cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm khi tiếp cận với doanh nghiệp, cam kết ủng hộ doanh nghiệp, hướng tới phương châm "Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển". Tỉnh quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh tại Lào Cai. Năm 2010, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 755 tỷ đồng. Doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển là yếu tố quyết định đến tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế những năm qua, trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, Lào Cai luôn duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân trên 12%; GDP bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng, tăng gấp 17 lần so với năm tái lập tỉnh. Doanh nghiệp phát triển tác động đến chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế quốc dân và trong nội bộ mỗi ngành, nếu như năm 1991, cơ cấu kinh tế của tỉnh là nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ với tỷ lệ 61,7% - 15,9% -  22,3% thì đến năm 2010 con số này là: 27,9% - 34,2% - 37,9%. 

 

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư tại Lào Cai.

Điều đáng chú ý là những năm gần đây, với các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhà nước, đã có tác động tích cực đến việc huy động mọi nguồn vốn của các tầng lớp dân cư vào sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Vai trò của các doanh nghiệp thể hiện trong nhiều lĩnh vực, cụ thể là: giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp tính đến hết năm 2010 là 39.390 người, số doanh nghiệp tăng đã góp phần giải quyết việc làm mới cho trên 5.000 lao động, thu nhập bình quân của người lao động trong các đơn vị này cũng được nâng lên đáng kể, bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy chiếm tỷ trọng không cao trong tổng lao động toàn xã hội, nhưng lao động của khu vực doanh nghiệp lại là lực lượng chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách và đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP. Thu nhập cao và tăng nhanh của lao động khối doanh nghiệp góp phần cải thiện và nâng cao mức sống chung của toàn xã hội và tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp. Phát triển doanh nghiệp tác động đến giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua là điều kiện để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội.

Sau 20 năm tái lập, tuy đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43%, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, bởi vậy xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là nhiệm vụ lâu dài. Trong nhiệm vụ ấy, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, đồng hành với tỉnh, bước qua mọi khó khăn, thử thách, viết tiếp những trang sử mới, sớm xây dựng quê hương Lào Cai giàu mạnh, trở thành điểm sáng trong khu vực biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.

Mạnh Dũng

Theo Báo điện tử Lào Cai


Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1